Monday 18 September 2017

MỐI QUAN HỆ VIỆT - TRUNG : CÂN BẰNG ĐỊA LÝ và LỊCH SỬ ( Tường Vũ - Business Mirror)




Tác giả: Tường Vũ  -  Business Mirror
Dịch giả: Trúc Lam
17/09/2017

Mối quan hệ Việt – Trung đã bắt đầu giảm sút kể từ tháng 6, sau khi Thượng tướng Trung Quốc Phạm Trường Long rút ngắn chuyến thăm Hà Nội và hủy bỏ một cuộc giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới giữa quân đội hai nước, nhằm xây dựng niềm tin lẫn nhau.

Nguyên nhân của sự bất đồng này là hợp đồng khoan dầu ở Biển Đông mà Hà Nội đã ký với công ty Repsol của Tây Ban Nha. Điều này đã xảy ra trước đây nhưng lần này Bắc Kinh đe dọa thực hiện các biện pháp quân sự nếu Hà Nội không dừng và chấm dứt [khoan dầu]. Chỉ trong một tuần, Việt Nam đã hủy bỏ hợp đồng và đồng ý trả hàng triệu đô la tiền đền bù cho Repsol.

Mối đe dọa quân sự trực tiếp của Trung Quốc đối với Việt Nam, cho thấy, sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông, và việc nhanh chóng quỵ lụy của Hà Nội đối với Bắc Kinh, đã khiến nhiều người đổ lỗi cho chính sách đối ngoại hướng nội của Tổng thống Donald Trump.

Điều này thật bất công. Một tuần sau, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch đến Washington để gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ông Lịch, chính ủy của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được biết đến là một nhà tư tưởng cứng rắn trong chính trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi ông đến thủ đô Hoa Kỳ, ông tuyên bố rằng, lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ song phương, Việt Nam đã chấp nhận đề nghị Mỹ đưa tàu sân bay tới thăm.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng QPVN Ngô Xuân Lịch (Ảnh trái). Chu Ân Lai ôm Hồ Chí Minh (ảnh phải). Nguồn: Yale Global

Ý tưởng cho một cuộc viếng thăm như vậy đã được khởi xướng nhiều lần. Gần đây nhất, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra gợi ý, nhưng chuyện quân đội Trung Quốc gây sức ép lên các quan chức cao cấp của Việt Nam càng làm nóng thêm ý tưởng đó. Thật ra, chuyến thăm của ông Lịch chính là sự lặp đi lặp lại trong một thời gian dài về chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hà Nội chỉ mong muốn Washington trợ giúp khi bị Trung Quốc đe doạ, nhưng trong thâm tâm, Việt Nam lại đánh giá cao mối quan hệ với Bắc Kinh hơn.

Cũng như Việt Nam, Trung Quốc là một nước xã hội chủ nghĩa. Mối quan hệ giữa hai đảng cộng sản bắt đầu từ thập niên 1920, khi ông Hồ Chí Minh còn trẻ, cùng làm việc với đồng chí cách mạng Chu Ân Lai để vận động những người lao động ở miền nam Trung Quốc. Ngay sau khi Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai lên nắm quyền ở Trung Quốc, họ ủng hộ cuộc cách mạng Việt Nam bằng cách gửi vũ khí và các cố vấn sang giúp đỡ quân đội của ông Hồ giành chiến thắng quyết định chống lại quân Pháp năm 1954.

Trong cuộc chiến Việt Nam, Bắc Kinh luôn là anh cả của Hà Nội, cũng như là nhà tài trợ hào phóng nhất. Bắc Kinh đã gửi cho Hà Nội hàng tỷ đô la, cùng với lương thực và viện trợ quân sự. Trong thập niên 1960, hơn 100 ngàn lính Trung Quốc đã có mặt dài hạn ở miền Bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, mối quan hệ đã thay đổi đột ngột khi cuộc chiến kết thúc. Hà Nội nhận thấy việc Mao Trạch Đông mời Tổng thống Richard Nixon đến thăm Bắc Kinh năm 1972 như là một sự phản bội. Cả Bắc Kinh và Moscow ve vãn sự chú ý của Washington, cùng với thắng lợi của Việt Nam đối với người Mỹ năm 1975, các nhà lãnh đạo Việt Nam bắt đầu cho rằng mình là những người tiên phong của cuộc cách mạng thế giới. Tham vọng thống trị Đông Dương của họ đã chọc giận nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, là người đã gửi nửa triệu quân vượt biên giới vào năm 1979 để dạy cho người Việt Nam “vô ơn” một bài học.

Cuộc chiến biên giới giữa hai nước cộng sản anh em kéo dài đến cuối thập năm 1980. Khi khối [cộng sản] Xô Viết sụp đổ và phe [tư bản] do Hoa Kỳ lãnh đạo thành công, Hà Nội cảm thấy bị đe dọa và nhanh chóng quay sang Bắc Kinh, xin lỗi vì để xảy ra chiến tranh và đề xuất một liên minh chống đế quốc mới. Mặc dù Bắc Kinh từ chối đề xuất đó, các mối quan hệ song phương cũng được khôi phục vào năm 1991.

Để chứng tỏ rằng mình đã học được bài học, các nhà lãnh đạo Hà Nội đã thay đổi hiến pháp, xóa bỏ các đoạn văn chống Trung Quốc. Trong khi Việt Nam kỷ niệm các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ hàng năm, thì cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979 đã bị xoá khỏi trí nhớ của công chúng. Truyền thông do nhà nước kiểm soát bị cấm đăng tải những tin tức tiêu cực về Trung Quốc, và các biên tập viên vi phạm lệnh cấm, đã bị trừng phạt.

Việt Nam khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ năm 1995 và ký một hiệp định song phương năm 2001. Khi cải cách thị trường tập trung, Việt Nam đã đạt được thành công đáng kể qua xuất khẩu. Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, cho phép quốc gia này kiếm được hàng tỷ đô la thặng dư mậu dịch.

Mặc dù thị trường Mỹ có giá trị đối với Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ vẫn bị liệt vào nhóm “không quá gần” đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội. Các lời chỉ trích của Washington về những vi phạm nhân quyền của Việt Nam, làm họ tức giận, và những cuộc xâm lược của Mỹ ở Afghanistan và Iraq khiến cho họ lo lắng. Gần đây, năm 2005, QĐND Việt Nam vẫn coi Mỹ là kẻ thù chiến lược.

Bên kia biên giới, quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam phát triển mạnh: Các nhà lãnh đạo hàng đầu hai nước thăm viếng hàng năm, cũng như đại diện quân đội, Bộ Công an, Cục Tuyên truyền và các cơ quan chính phủ khác. Đến năm 2011, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, và vào năm 2014 trao đổi mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc gần gấp đôi với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, các vấn đề phát sinh từ năm 2005, khi Trung Quốc bắt đầu thực thi các yêu sách chủ quyền của mình trên phần lớn các khu vực ở Biển Đông, đánh bật hy vọng của các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng tình hữu nghị giữa hai đảng sẽ tăng lên, vượt qua khỏi các lợi ích quốc gia hẹp hòi. Trong khi theo đuổi một số chiến lược để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Hà Nội được cho là đã đặt nặng hơn vào các cuộc đàm phán giữa hai đảng anh em, thay vì cách tiếp cận đa phương hoặc theo luật pháp.

Khi Trung Quốc kéo một giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi năm 2014, thậm chí khi Hà Nội gửi các tàu tuần duyên bao vây lực lượng hải quân Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan, thì Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng gọi cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hàng chục lần, với hy vọng hảo huyền rằng ông Tập sẽ trả lời. Người Việt Nam xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc đã bị các lực lượng an ninh đánh đập. Sau đó, ông Trọng – lần đầu tiên với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – đã viếng thăm Washington.

Sau cuộc đối đầu với giàn khoan, những lời chỉ trích Trung Quốc xuất hiện trên báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Hà Nội về cơ bản đã thay đổi chiến lược trong việc thực hiện những cuộc đàm phán nhút nhát sang Hoa Kỳ, trừ khi bị Bắc Kinh đối xử tệ. Do sự thống trị của những người trung thành với chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong số các lãnh đạo hàng đầu được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ 12 năm 2016, thì sự thay đổi là điều không tưởng.

Ông Lịch chào đón tàu sân bay Mỹ đến thăm [Việt Nam] đã gửi một tín hiệu tới Trung Quốc là họ không hài lòng, nhưng đó không phải là một sự đảo ngược chính sách một cách quyết liệt. Sự kiện công ty Repsol rời bỏ Hà Nội với con mắt bị đánh bầm, và Hà Nội muốn Bắc Kinh biết rằng họ không hài lòng. Tuy nhiên, giống như một người phối ngẫu bị ngược đãi, gọi cảnh sát sau khi bị đánh, nhưng vẫn không dám kết thúc mối quan hệ, Hà Nội sẽ làm theo con tim và sẽ không sớm thoát khỏi Bắc Kinh.

*
Tường Vũ, tác giả sách ‘Cách mạng Cộng sản Việt Nam: Sức mạnh và giới hạn của hệ tư tưởng’ (Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2016), là giám đốc của Nghiên cứu châu Á và là giáo sư môn khoa học chính trị tại Đại học Oregon.

© Copyright Tiếng Dân







No comments:

Post a Comment

View My Stats