Friday 14 April 2017

"CHÚNG MÀY ĐẾN NHẬT ĐỂ HỌC TẬP, LÀM VIỆC HAY ĐỂ ĂN CẮP?" (Hải Âu)




Hải Âu
14/04/2017

Xin thân chào tất cả các bạn. Tôi biết khi mình đề cập đến các vấn đề nhạy cảm thế này có thể làm động chạm đến lòng tự trọng của người Việt nói chung trong đó có bản thân Tôi, và một số bạn… nói riêng, tất nhiên gạch đá là điều không thể tránh khỏi.

Mục đích chính của Tôi là muốn chia sẽ những gì mình từng nghe, từng thấy, và đã từng trải qua, để mọi người hiểu hơn về những gì mà người Nhật nghĩ, đánh giá về đại đa số người Việt Nam sinh sống, làm việc trên đất nước của họ.

1.    Ăn cắp thời gian.
Định nghĩa về thời gian của nhiều bạn khi làm việc ở Nhật lạ lắm, chẳng hạn như 8h30 bắt đầu công việc thì đúng 8h30 các bạn mới bấm thẻ, rồi sau đó mới đi đến phòng làm việc của mình đi vệ sinh, chuẩn bị dụng cụ, máy móc…và khâu chuẩn bị này thực hiện rất “kỹ lưỡng” thông thường mất khoảng 15-30’.
Giờ nghỉ trưa, và giờ tan ca thì luôn luôn dừng công việc trước đó từ 5-10’, chỉ cần nghe tiếng chuông là lập tức đứng dậy, thậm chí có nhiều người còn chờ sẵn tại máy bấm thẻ, khi tiếng chuông vang lên thì ấn thẻ vào không trễ 1 giây nào cả.
Ngược lại, những khi tăng ca thì hết sức “cẩn thận” sắp xếp dụng cụ ngay ngắn, quét dọn máy móc nơi làm việc, đèn, điện…kiểm tra đến vài lần trước khi về.
Cùng làm việc với mỗi ngày thì những hành động như thế các bạn nghĩ người Nhật có nhận ra hay không? và họ sẽ suy nghĩ gì?

      2.Những căn bệnh “quái ác”
Nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy…là những “bệnh lý” mà hầu hết mọi người điều mắc phải.
Tất nhiên “môi trường sống” ủng hộ các bạn với lý do cơ thể không thích ứng với thời tiết, thức ăn…nhưng từ chính bản thân các bạn là người hiểu rõ nhất đó có phải là lý do thực sự hay không?
Những căn bệnh này đôi lúc còn phải được “sắp xếp và định ngày” trước để tránh bệnh cùng ngày và cùng 1 căn bệnh.
Có 1 lần anh bạn người Nhật làm chung hỏi Tôi thế này, “Tao nghe nói trước khi sang Nhật chúng mày được kiểm tra sức khoẻ kỹ lắm đúng không? sao sang đây rồi sức khỏe tụi mày yếu thế? Trong khi môi trường ở Nhật sạch sẽ và an toàn vệ sinh hơn ở Việt Nam nhiều mà.”
“ Xin lỗi, Tao không phải bác sĩ”, đó là câu nói duy nhất mà Tôi có thể trả lời cho anh ấy, mặc dù biết rằng đây là căn bệnh “quái ác” nhất mà hầu hết mọi người đều mắc phải.

     3.Qui tắc “3 chữ T”
Người Nhật có một qui chuẩn trong công việc là “Ho-Ren-Sho” (báo cao, liên lạc, thảo luận).
Trong khi đó người Việt lại thường áp dụng qui tắc khác đó là “3 chữ T” (Tự nghĩ, Tự quyết, Tự làm).
Trong một cuộc họp, vị xếp người Nhật đã nói với chúng Tôi rằng, “ Tôi từng làm việc với nhiều người ở các quốc gia khác nhau như Indonexia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc…trong số này Tôi thấy người Việt là “nhạy bén và dễ dãi” nhất, các bạn thường không muốn làm phiền đến người khác bằng cách tự mình quyết định và làm thay chúng Tôi.
Tôi rất cảm ơn về “ý tốt”  đó, nhưng ước gì mọi người có thể bàn bạc thay vì quyết định, thì Tôi sẽ cảm thấy vô cùng cảm kích và biết ơn”.

     4.Trộm cắp
Nhiều người nói rằng “ đâu phải ai cũng vậy, người Nhật cũng có người xấu…”, nhưng xin đừng biện hộ nữa mà hãy nhìn vào thực tế và đối diện với chúng.
Ở Nhật Bản rất dễ dàng bắt gặp các biển cảnh báo “cấm người Việt ăn cắp” và thật đáng buồn là những tấm biển cảnh báo này ngày một nhiều hơn.
Thế nhưng không ít người Việt sinh sống và làm việc ở nơi đây vẫn thản nhiên khoe các “chiến tích ăn cắp” của mình mỗi khi ngồi lại cùng nhau.
Năm đầu tiên sống ở Nhật, Tôi được 1 người bạn giới thiệu tham gia buổi họp mặt của “những người Việt sống tại Nagoya”, buổi tiệc ấy có khoảng gần 50 người.
Có thể nói hôm đó chính là buổi “ đại hội võ lâm” thì đúng hơn, Tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác từ những câu chuyện mà các “cao thủ” trao đổi cùng nhau trong buổi tiệc. Bất ngờ lớn nhất đó là tất cả các đồ ăn, thức uống của hôm đó ước tính không dưới 200.000 yên (khoảng 40 triệu đồng), hoàn toàn là “đồ miễn phí” do những “cao thủ” mỗi người đóng góp 1 ít.
Đến khi hết bia thì Tôi thấy có 2 người thanh niên đứng dậy hỏi ” Ê, có đứa nào mang theo túi thần không, để tụi tao ra đá vài lóc bia về chơi tiếp”, sau ngày hôm đó Tôi hỏi lại thì mới biết những từ ngữ như “túi thần, đá” đều là những thuật ngữ chuyên ngành của các cao thủ trộm cắp.
Có lần một người Việt trong công ty của Tôi bị cảnh sát bắt giữ vì tội “đá tàu” (đi tàu trốn vé), họ đã gọi người của công ty và nghiệp đoàn đến làm việc bảo lãnh.
Sau khi sự việc xảy ra, ngày giám đốc đã có một buổi “nói chuyện nhẹ” mà tới bây giờ Tôi vẫn không thể nào quên được câu nói của ông ấy “ Xin lỗi, mọi người đến Nhật với mục đích để học tập, làm việc hay là để ăn cắp? Tôi thật sự cảm thấy xấu hổ thay cho cha mẹ của các bạn và những người Việt không ăn cắp, xin đừng mang những điều xấu xa này đến đất nước của chúng tôi”

Lời kết
Dòng máu đang chảy trong cơ thể Tôi cũng như các bạn, Tôi cũng chẳng tốt đẹp hay vui sướng gì khi nghe, nhìn người ta nói những lời khó nghe về người Việt và tôi nghĩ mọi người cũng như thế.
Vấn đề ở đây là “một con sâu làm sầu nồi canh”, chúng ta đang sinh sống và làm việc trên một quốc gia khác, vì vậy bất kỳ một hành động sai trái nào của các bạn nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình mình, mà còn liên luỵ đến hình ảnh, cuộc sống tương lai của tất cả những người Việt đã, đang và sẽ sinh sống làm việc ở đất nước Nhật Bản.

Hải Âu (nguồn japo.vn)

-----------------------

14/04/2017




No comments:

Post a Comment

View My Stats