Wednesday 19 October 2016

THỦY ĐIỆN GÂY LŨ - SAI LẦM TỪ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH (Lã Yên)




Lã Yên
Tác giả gởi đến cho Dân Luận
18/10/2016
.
Mưa bão và xả lũ bất ngờ gây lũ lụt, ngập sâu. Ảnh:

DL - Lũ là bình thường, miền Trung năm nào chẳng lũ, không tỉnh này thì tỉnh kia. Người dân bao đời nay sống chung với lũ họ có ca thán gì. Trước khi có thủy điện, mưa cũng có lũ, cũng gây ngập, nhưng không có lũ quét. Còn bây giờ, mưa kết hợp với việc xả nước của thủy điện làm lũ về nhanh, sức tàn phá kinh hoàng và gây thiệt hại rất lớn. Tất nhiên những thiệt hại này người dân phải gánh chịu. Lũ tự nhiên cộng thêm lũ nhân tạo thì quả là tai họa, người dân đúng là hết đường sống - Hiểu cho đúng, thủy điện không gây ra lũ lụt, nhưng chính thủy điện lại tiếp sức cho lũ.

Những hình ảnh về lũ lụt miền trung mấy ngày qua thật khủng khiếp. Không có ngôn từ nào để diễn tả hết nổi đau, sự mất mát cũng như căm phẩn.

Hà Tĩnh, Chủ tịch huyện bức xúc vì xả lũ nhanh quá dân trở tay không kịp. Ông giám đốc nhà máy thủy điện bức xúc nói xả đúng quy trình, nếu không xả sẽ tràn và có nguy cơ vỡ. Ông Chủ tịch tỉnh cũng bức xúc, nói cần rút kinh nghiệm (Theo báo VTC). Người dân bì bõm trong nước lũ, bất lực nhìn tài sản trôi theo dòng nước.

Còn nhớ năm 2009, trả lời báo Pháp luật TP HCM về vấn đề xả lũ gây lụt của các hồ thủy điện, ông Hoàng Trung Hải (khi đó là Phó thủ tướng) nói rằng, kiểm tra không thấy vi phạm quy trình xả lũ nào, và xả lũ mà làm chết người thì mấy ông thủy điện đi tù rồi.

Đúng là theo quy trình thì không sai, nhưng ai chắc rằng cái quy trình do các ông nặn ra là đúng ?. Năm nào cũng có người chết vì xả lũ, nhưng chẳng có ai đi tù như lời ông Hải nói.

Mấy năm gần đây việc xả nước của các hồ Thủy điện đã gây biết bao thiệt hại về người và tài sản. Nhưng lần nào cũng chỉ là rút kinh nghiệm. Càng rút kinh nghiệm, lũ lần sau lại mạnh hơn lần trước.

Năm ngoái, vào đầu tháng 4 thủy điện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) xả lũ, kết quả hơn 1.106 ha lúa và 132,8 ha cây công nghiệp và 7,4 ha ao hồ bị ngập úng. Ước tính khoảng hơn 45,22 tỷ đồng của người dân trôi theo con nước. Thiệt hại như thế chẳng ai chịu trách nhiệm.

Về lý thuyết, ngoài việc tạo ra nguồn năng lượng, thuỷ điện đóng vai trò quan trong trong việc chống hạn, điều hoà, điều tiết nước cho vùng hạ du vào mùa khô. Vào mùa mưa, thuỷ điện tham gia việc phòng cắt lũ.

Nhưng tại sao các hồ thủy điện ở Việt Nam lại không đảm bảo được các chức năng trên, nếu có cũng không đáng kể. Câu trả lời sau của ông Nguyễn Minh Việt - Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo sẽ lý giải phần nào nguyên nhân.

"Hệ thống các hồ lớn ở miền Trung bây giờ đều là hồ thủy điện mà hồ thủy điện không có chức năng phòng lũ". Nguyên nhân của tình trạng này, ông Việt giải thích là do các doanh nghiệp làm thủy điện đã cố tối đa hóa lợi nhuận, bỏ qua việc xây dựng dung tích phòng lũ tốn kém và không có giá trị kinh tế.

Ông lấy ví dụ: "Ở Quảng Nam chẳng hạn, quy hoạch chỉ ra trên sông Côn phải có dung tích phòng lũ khoảng 300 triệu m3 nhưng khi thực hiện, thấy việc xây dựng hồ làm dung tích phòng lũ quá tốn kém nên điều chỉnh quy hoạch, điểu chỉnh vị trí xây đập để vẫn làm thủy điện nhưng không có dung tích phòng lũ. Vì thế, các nhà máy thủy điện khu vực này không có giá trị trong phòng lũ, cắt lũ. Nước về bao nhiêu, xả bấy nhiêu", (Theo báo Tiền phong ngày 20/11/2013).

Thông tin trên sẽ làm nhiều người không khỏi giật mình. Nói vậy các hồ thủy điện có khác nào quả bom nước treo lơ lững trên đầu người dân, bất cứ lúc nào cũng có thể phát nổ.
Nói chung, ở đây không đơn thuần là cái sai của việc xả nước gây lũ của các hồ thủy điện, mà là sai từ chủ trương, chính sách, quy hoạch và quản lý của nhà nước về phát triển thủy điện.

Khi mới xuất hiện, thủy điện được đánh giá là một nguồn năng lượng sạch và tái tạo, vốn đầu tư cũng như chi phí vận hành, bảo dưỡng ít. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã đầu tư xây dựng những con đập khổng lồ hùng vĩ. Nhưng trải qua một vài thập niên người ta đã nhận ra sai lầm. Về tổng quan, thủy điện hại nhiều hơn lợi và đặc biệt nó hủy hoại hệ sinh thái. Những thập niên gần đây, việc phá bỏ các hồ thủy điện đang là hướng tất yếu. Ở Mỹ từ những năm 90 của thế kỷ 20, họ đã bắt đầu dỡ bỏ các đập thủy điện, đến nay ước tính đã có trên 1.300 đập bị dỡ bỏ. Nhật Bản, năm 2009, đã ngừng 48 trong số 56 Dự án xây đập thủy điện, thủy lợi trên toàn quốc. Pháp cũng đã tháo dỡ 2 đập thủy điện ở thượng nguồn dòng Loire.

Đi ngược lại với xu thế thời đại, những năm gần đây Việt Nam lại dấy lên phong trào xây dựng thủy điện - lý do là để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước. Mặc dù các nhà khoa học và quản lý cũng đã lên tiếng cảnh báo về tác động tiêu cực của đập thủy điện như là, rừng bị tàn phá, môi trường sinh thái bị thay đổi, đời sống người dân bị xáo trộn, gây lũ cho vùng hạ lưu. Nhưng vì lợi ích một nhóm người nào đó, họ bất chấp tất cả miễn vơ vét cho đầy túi tham, mặc đất nước bị tàn phá, mặc dân đen "sống chết mặc bay".

-----------------------------

LIÊN QUAN :




No comments:

Post a Comment

View My Stats