Monday 22 August 2016

ÂN XÁ QUỐC TẾ GỬI THƯ VỀ TRƯỜNG HỢP CỦA NGUYỄN HỮU QUỐC DUY & NGUYỄN HỮU THIÊN ÂN (Defend The Defenders)





August 23, 2016


Kính gửi: Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn*
Tổng Giám đốc Văn phòng Thường trực về Nhân quyền của Việt Nam
Phố Chùa Một Cột
Quận Ba Đình
Hà Nội
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Ngày 22/8/2016

Thưa Tiến sĩ Nguyễn

Tôi thật vinh hạnh được gặp ngài trong chuyến viếng thăm Việt Nam của tôi vào tháng 6 năm nay. Tôi viết thư này cho ngài liên quan đến trường hợp của hai thanh niên Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An,là hai người sắp bị Tòa án tỉnh Khánh Hòa xét xử về cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự. Chúng tôi được biết 12 cá nhân, bao gồm Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên An, đã bị kết tội hoặc đang bị giam giữ và chờ xét xử về tội danh Điều 88 mà chúng tôi coi là tù nhân lương tâm. Những người đàn ông và phụ nữ đó, bị bắt và bị giam vì các hoạt động ôn hòa và /hoặc thực hiện các quyền được đảm bảo bởi luật pháp quốc tế, nên được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện.

Tại thời điểm hiện tại, chúng tôi không có đầy đủ thông tin về các hành vi mà Nguyễn Hữu Quốc Duy và Nguyễn Hữu Thiên Ân bị cáo buộc. Chúng tôi biết rằng họ sẽ phải đối mặt phiên tòa vào thứ Ba. Do vậy, chúng tôi viết thư này cho ngài để nêu lên mối quan ngại của chúng tôi về một số điểm liên quan đến việc chính quyền Việt Nam đã không tuân thủ nghĩa vụ của họ trong việc tôn trọng và đảm bảo quyền xét xử công minh của Nguyễn Hữu Quốc Duy trong giai đoạn trước khi xét xử kể từ khi bị bắt ngày 27/11/2015, điều sẽ dấy lên sự nghi ngờ về sự công bằng của các thủ tục tố tụng chống lại Duy.

Theo như thông tin mà Ân xá Quốc tế nhận được, kể từ khi bị bắt giữ, Duy không được quyền tiếp xúc thường xuyên với gia đình. Chúng tôi được biết một luật sư đã được chỉ định bởi cơ quan nhà nước và do vậy anh không được quyền lựa chọn luật sư theo như quyền của anh được ghi nhận trong luật pháp quốc tế. Gia đình anh đã không thể giúp anh trong việc tìm một luật sư theo sự lựa chọn của mình vì gia đình không được phép liên lạc với anh. Đối với cùng một lý do, anh cũng không được biết về những nỗ lực của gia đình trong việc hỗ trợ anh.

Ngăn chặn Duy trong việc giao tiếp với gia đình là một sự vi phạm các quyền của anh theo pháp luật và các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Quyền của người bị tạm giam để giao tiếp với thế giới bên ngoài, và đặc biệt, với gia đình của họ, là một bảo vệ rất quan trọng chống lại những vi phạm nhân quyền và ảnh hưởng đến các khả năng bào chữa của một bị cáo. Liên lạc với gia đình của họ là chìa khóa để bảo vệ quyền riêng tư và gia đình quy định tại Điều 17 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là một thành viên. Các tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về đối xử với tù nhân (Các quy tắc Nelson Mandela) nói rằng “tù nhân được phép, dưới sự giám sát cần thiết, giao tiếp với gia đình và bạn bè của họ một cách thường xuyên: (a) Bằng cách viết thư [… và … ] (b) trực tiếp gặp mặt”.

Ân xá Quốc tế đã nhận được thông tin rằng Nguyễn Hữu Quốc Duy đã bị cơ quan chức năng từ chối cho gặp thân nhân và việc liên lạc duy nhất với gia đình là gửi những mẩu tin ngắn nói rằng anh ấy mạnh khỏe và nhận được quà tiếp tế của gia đình trong thời gian bị giam giữ. Ngoài những vi phạm các quyền và tiêu chuẩn nêu trên, việc từ chối không cho Duy gặp gia đình có thể được coi là đối xử vô nhân đạo và là sự vi phạm điều cấm được quy định ở Điều 7 của ICCPR và Điều 16 của Công ước chống tra tấn (UNCAT) mà Việt Nam đã phê chuẩn vào tháng 2 năm 2015.

Ân xá Quốc tế quan ngại về việc không cho Duy gặp gia đình và do vậy gia đình không thể giúp anh tìm được luật sư để bào chữa theo ý nguyện của anh. Theo Điều 57 của Bộ luật Tố tụng hình sự của Việt Nam thì “luật sư bào chữa nên được lựa chọn bởi bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ”. Trường hợp cá nhân không tìm kiếm được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa, thì “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Toà án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho những người như vậy”. Như đã nói ở trên, theo thông tin mà Ân xá Quốc tế nhận được, một luật sư đã được bổ nhiệm bởi cơ quan nhà nước trong trường hợp của Duy, nhưng gia đình anh đã bị ngăn cản không cho tìm luật sư độc lập do họ không được phép tiếp cận Duy. Duy cũng không hề biết về những nỗ lực của họ để giúp anh thực hiện quyền có luật sư bào chữa theo lựa chọn. Do đó, việc nhà chức trách không cho Duy liên lạc với gia đình đã vi phạm quyền của anh đươc đảm bảo bởi Điều 14 của ICCPR, một quyền cho tất cả mọi người bị buộc tội hình sự được đại diện bởi một luật sư lựa chọn của riêng họ.

Sự phủ nhận quyền này của anh để được đại diện bởi một luật sư lựa chọn làm suy yếu sự công bằng của các thủ tục tố tụng trong toàn bộ vụ án chống lại anh. Ân xá Quốc tế kêu gọi nhà chức trách Việt Nam đảm bảo Duy có thể tiếp xúc với gia đình của mình và có một luật sư theo sự lựa chọn của anh. Các thủ tục tố tụng trong vụ án nên được trì hoãn để đảm bảo thời gian và điều kiện để chuẩn bị cho việc bào chữa của Duy.

Trân trọng,

Rafendi Djamin
Giám đốc Chương trình Thái Bình Dương và Đông Nam Á
Ân xá Quốc tế

Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ

(*Tiến sỹ Nguyễn Thanh Sơn là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam- chú thích của người dịch)





No comments:

Post a Comment

View My Stats